Kỹ thuật đấm bóng là một kỹ thuật cần thiết để thủ môn phá bóng ra khỏi vùng nguy hiểm trong trường hợp cảm thấy không thể bắt được bóng. Đây là một kỹ năng khác bên cạnh phá bóng bằng lòng bàn tay để các thủ môn có thể phá bóng đi một cách an toàn. Tuy nhiên kỹ năng này có phần khó thực hiện hơn cái trên vì nó có yêu cầu cao hơn về bật nhảy cũng như phán đoán chọn điểm rơi. Vì vậy đây là một kỹ năng thường được thấy ở các thủ môn có nhiều kinh nghiệm. Còn các thủ môn trẻ hãy đọc bài viết dưới đây để biết cách luyện tập nâng cao kỹ năng đấm bóng của mình nhé.
Mục Lục
Khi nào thì thủ môn cần đấm bóng
Trong hoạt động phòng thủ không phải lúc nào thủ môn cũng có thể bắt được bóng .Trong trường hợp này khi thấy không thể bắt bóng (do bóng ở quá xa, quá cao so với tầm bắt, hoặc do đối phương cản trở) hay cảm thấy bắt bóng sẽ không chắc chắn, không an toàn (bóng trơn , bóng đi quá mạnh…) thì thủ môn sẽ phải đấm bóng đi. Mục đích của việc này là nhằm phá bóng ra xa cầu môn, càng xa khu nguy hiểm càng tốt.
So với bắt bóng, thì đấm bóng không an toàn triệt để bằng. Vì bóng có thể trở lại chân đối phương ở khu vực nguy hiểm trước cầu môn. Thậm chí bóng có thể rơi vào vị trí mà đối phương có thể sút thẳng vào cầu môn. Lúc đó thủ môn vẫn chưa kịp trở về khung thành để chống đỡ nên sẽ rất nguy hiểm.
Thực tế phần lớn các pha đấm bóng của thủ môn đều được kết hợp với động tác bật nhảy. Vì vậy kỹ thuật đấm bóng cũng bao gồm cả các yếu tố cấu thành của kỹ thuật bật nhảy. Đó là chạy đà, hạ trọng tâm, giậm nhảy trên không và tiếp đất.
Phân loại hai kiểu đấm bóng của thủ môn bóng đá

Lực tác động của kỹ thuật đấm bóng chủ yếu là do động tác duỗi thẳng cánh tay (duỗi khớp khuỷu và khớp vai) tạo ra. Ngoài ra còn thêm các yếu tố phụ trợ như tốc độ, chạy đà, bật nhảy, hoặc duỗi thân của thủ môn. Kỹ thuật này có thể phân ra làm 2 loại. Căn cứ vào cách thức khi thực hiện dùng tay đấm bóng:
- Đấm bóng bằng một tay.
- Đấm bóng bằng hai tay.
Phân tích chi tiết về 2 kiểu đấm bóng
Đấm bóng bằng một tay
Thường được sử dụng khi bóng ở quá xa mà hai tay cùng một lúc không thể với tới hoặc khi không ở tư thế thuận lợi cho việc dùng cả hai tay. Đấm bóng bằng một tay thì thủ môn phải xác định chính xác đường bay và điểm rơi của bóng. Sau đó lấy đà bật nhảy, vươn một tay lên cao đến vị trí thuận lợi nhất thì đấm thẳng vào phần dưới của bóng. Khi đấm bóng một tay, thân trên phải hơi xoay nghiêng để tay vươn được xa. Tùy từng trường hợp cụ thể có thể sử dụng tay ở bên đối diện để đấm bóng. Đôi khi kỹ thuật này cũng còn được sử dụng để đấm – đẩy bóng ở tầm thấp trong các pha bay người, đổ người của thủ môn.
Đấm bóng bằng hai tay
Cũng giống như kỹ thuật đấm bóng bằng một tay. Kỹ thuật này có thể thực hiện với các bước chạy đà – bật nhảy hoặc bật nhảy tại chỗ. Phần tiếp xúc của nắm tay vào bóng thường là mặt trên (các đốt trong của các ngón tay khi nắm lại); nhưng cũng có thể là mặt trước (phần cườm của bàn tay). Điều này là tùy thuộc vào tầm bóng đến hoặc thói quen của thủ môn. Đấm bóng bằng hai tay sau khi xác định được đường bay và điểm rơi thì thủ môn bật nhảy lên, hai tay nắm lại để sát vào nhau và đấm thẳng vào bóng.
Các thủ môn nổi tiếng có khả năng đấm bóng tốt

- Peter Schmeichel: Thủ môn huyền thoại của Manchester United và của đội tuyển Đan Mạch
- Gianluigi Buffon: Thủ thành huyền thoại với 26 năm thi đấu chuyên nghiệp. Ở tuổi 43, Buffon đã không còn giữ được phong độ như xưa. Nhưng đẳng cấp của anh là không ai có thể bàn cãi.
- Gianluigi Donnarumma: Truyền nhân của Buffon ở tuyển Ý. Anh là người trực tiếp mang đến chức vô địch EURO 2020 cho đội tuyển áo thiên thanh. EURO vừa qua cũng chứng kiến khả năng đấm bóng rất xuất sắc của Donnarumma
- Petr Cech: Là một thủ môn với thể hình tốt và sải tay dài. Vì vậy Petr Cech cũng là một thủ môn chuyên đấm bóng với tỉ lệ thành công rất cao.
Trên đây là bài viết về các kỹ thuật đẫm bóng của thủ môn bóng đá, mọi người tham khảo nhé.
Nguồn: bongdanamviet.vn